[Đăng ngày:
22-09-2014]
Vai trò thư viện đại học trong việc phục vụ học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học
" Trong những cơ sở hay phòng ban của một trường đại học, không có cơ sở nào thiết yếu hơn Thư viện đại học. Ngày nay không một công trình khoa học nào với giá trị đích thực mà không có sự trợ giúp của thư viện, ngoại trừ những trường hợp phi thường của những thiên tài thỉnh thoảng xảy ra trong lịch sử nhân loại, đó là những trường hợp ngoại lệ.". Viện trưởng Viện ĐH Illinois, Edmund James
Nói đến cơ sở vật chất của một Đại học người ta thường nghĩ ngay đến các giảng đường, các phòng thí nghiệm, xưởng thực tập hay trại thực nghiệm, và thư viện.
Hoạt động chính của một Đại học chủ yếu diễn ra ở 4 khu vực trên. Có thể nói nhìn mức độ làm việc, hiệu quả công việc của sinh viên, giảng viên ở Thư viện người ta có thể hiểu được phần nào chất lượng hoạt động của một Đại học. Chắc rằng mọi người ai cũng thừa nhận tầm quan trọng của Thư viện. Tuy nhiên hãy suy nghĩ vấn đề được đặt ra: trong tình hình hiện nay làm sao để Thư viện có thể phục vụ có hiệu quả nhất cho công việc học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học ?
Trước hết muốn phục vụ tốt Thư viện cần có những gì ?
Ngoài một đội ngũ nhân viên có năng lực chuyên môn, yêu nghề và có tinh thần phục vụ cao, Thư viện cần phải có các phòng ốc khang trang, các loại sách báo, tạp chí thích hợp, các luận án, các CD-ROM. , phải được nối mạng Internet, phải có sự liên thông với các thư viện trong và ngoài nước. nghĩa là Thư viện phải được đầu tư về con người và cơ sở vật chất.
Ai cũng hiểu đầu tư cho Thư viện là đầu tư cho giáo dục, là một đầu tư đặc biệt về kinh tế mà hiệu quả của sự đầu tư được đo lường bởi chất lượng sản phẩm của nền giáo dục, có tác động lớn và lâu dài đến sự phát triển của một đất nước. Thực tế chúng ta đã thấy có dự án vay tiền của Ngân hàng thế giới để xây dựng cơ sở vật chất cho Thư viện Đaị học. Tuy nhiên, vấn đề cần suy nghĩ là liệu việc đầu tư cho Thư viện có mang lại hiệu quả cho nền giáo dục hay không nếu không có một chuyển biến mạnh mẽ về phương pháp dạy và học ở Đại học hiện nay ?
Tuy chưa có một cuộc điều tra chính xác về việc sử dụng Thư viện ở các Đại học nhưng có thể khái quát hiện nay sinh viên đến Thư viện chủ yếu là để học bài, đọc và mượn các sách, báo, luận văn bằng tiếng Việt, việc tra cứu trên CD-ROM và Internet còn hạn chế. Việc khai thác các tài liệu bằng tiếng nước ngoài chủ yếu là ở các giảng viên.
Có nhiều nguyên nhân: sinh viên nghe giảng nhiều hơn tự học, sinh viên ít có thời gian đến Thư viện, sinh viên không được yêu cầu hay bắt buộc phải tham khảo tài liệu bằng tiếng nước ngoài, việc học và thảo luận theo nhóm không phổ biến, trình độ ngoại ngữ hạn chế.
Các điều kể trên làm hạn chế việc khai thác Thư viện, đặc biệt khi Thư viện được đầu tư thành một thư viện điện tử.
Có ý kiến cho rằng chính vì Thư viện còn nghèo nàn, thiếu thốn sách báo nên không thể cải tiến cách dạy và học được. Cho nên muốn thay đổi thì phải bắt đầu trước tiên ở Thư viện: Thư viện phải được cải tiến và trang bị đầy đủ trước sau đó mới có thể áp dụng cách dạy và học mới.
Ngược lại cũng có ý kiến cho rằng việc thay đổi phải bắt đầu từ người Thầy. Người Thầy phải thay đổi cách dạy, cách đánh giá kết quả học tập của sinh viên để từ đó sinh viên phải thay đổi cách học.
Chúng ta thấy rằng trong chiều hướng phát triển, giữa Thư viện và Độc giả có mối quan hệ chặt chẽ. Thư viện được thành lập là để phục vụ độc giả. Yêu cầu của độc giả ngày càng cao thì để phục vụ tốt Thư viện phải được đầu tư ngày càng nhiều.
Việc đầu tư cho Thư viện sẽ tốn kém và trở thành lãng phí nếu không được độc giả khai thác tốt. Cho nên, có thể thấy động lực của sự phát triển giáo dục phải bắt đầu từ con người. Liên hệ trong môi trường đại học hiện nay, để nâng cao chất lượng học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phải bắt đầu từ người Thầy. Chính người
Thầy phải cải tiến phương pháp giảng dạy trước tiên để thúc đẩy sự cải tiến ở các khâu khác có liên quan.
Chỉ có một cách dạy tạo sự chủ động, sự tích cực của người học trong việc tìm kiếm, khai thác thông tin, sự thảo luận, sự làm việc theo nhóm,…mới có thể giúp Thư viện hoàn thành vai trò của mình trong sự nghiệp phát triển giáo dục.