Thứ bảy, ngày 9/8/2014
Liên kết website :
Hỗ trợ trực tuyến
Số người truy cập: 129420
Đang online: 4
Chi tiết tin tức

[Đăng ngày: 16-10-2014]

Đẩy mạnh hợp tác giữa các thư viện đại học ở Việt Nam


Ý tưởng về việc hợp tác và liên kết giữa các thư viện thông qua việc xây dựng các liên hiệp thư viện không mới. Ý tưởng này được hình thành từ những năm 1930 và đặc biệt phát triển trong những năm gần đây ở nhiều nước trên thế giới.
 
Theo khảo sát của Hội Thư viện Mỹ, năm 2007 (ALA) nước này có khoảng 200 liên hiệp thư viện [8] đang hoạt động dưới hình thức liên kết giữa các thư viện thành viên với nhau. Tuy nhiên, việc hợp tác giữa các thư viện ở Việt Nam hiện nay mới chỉ ở những bước khởi đầu. Bài viết này phân tích thực trạng liên kết hoạt động của các thư viện đại học ở Việt Nam, sự cần thiết đẩy mạnh hoạt động liên kết giữa các thư viện, cơ hội và thách thức với các thư viện đại học hiện nay và các mục tiêu đạt được thông qua việc tăng cường hợp tác giữa các thư viện đại học. 
Theo Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ “Liên hiệp thư viện là hiệp hội hợp tác trên phạm vi quốc gia, khu vực, hoặc địa phương giữa các thư viện nhằm mục đích liên kết một cách có hệ thống và hiệu quả nguồn lực thông tin của các thư viện chuyên ngành, thư viện đại học, thư viện trường học, thư viện công cộng và các trung tâm thông tin để cải tiến dịch vụ cho khách hàng của các thư viện đó” [7].
Thuật ngữ liên hiệp thư viện mà tác giả sử dụng trong bài viết này có thể được hiểu như: mạng lưới thư viện, hệ thống thư viện, liên hiệp thư viện, hoặc tổ hợp thư viện. Liên hiệp thư viện cũng được định nghĩa như là một nhóm có từ hai thư viện trở lên thỏa thuận hợp tác với nhau để thực hiện những nhu cầu tương tự, thường là chia sẻ nguồn lực thông tin.
Sự cần thiết hợp tác giữa các thư viện
Những thay đổi về kinh tế và xã hội gần đây đã, đang góp phần hình thành “xã hội thông tin”. Trong xã hội đó thông tin được xem như “hàng hóa” và nó đem lại sức mạnh, tạo thế cạnh tranh giữa các quốc gia cũng như giữa các cá nhân. Khoảng cách giữa người giàu thông tin “information rich” và người nghèo thông tin “information poor” ngày càng lớn. Để thu hẹp được khoảng cách trên, thư viện đóng vai trò vô cùng quan trọng vì thư viện là nơi cung cấp một số dịch vụ thông tin đáng tin cậy. Và chính sự hợp tác giữa các thư viện là một trong những con đường để các thư viện tăng cường nguồn lực và cải thiện chất lượng dịch vụ của mình.
Hơn nữa, thế kỉ 21 xuất hiện sự bùng nổ thông tin khi mà internet được sử dụng như một phương tiện mới để lưu trữ và phân phối thông tin. Thách thức lớn đối với người làm nghề thông tin và các trung tâm thông tin thư viện là giám sát, quản lý lượng thông tin khổng lồ hàng ngày được tạo ra và phổ biến trên thế giới. Thực tế cho thấy không một thư viện nào một mình có thể quản lý được khối lượng thông tin khổng lồ trên thế giới và đáp ứng hữu hiệu nhu cầu tin đa dạng ngày càng tăng của các nhóm người dùng tin. Với lý do này khái niệm liên hiệp thư viện được phát triển. Liên hiệp thư viện được biết đến với mục đích chia sẻ nguồn lực thông tin ở nhiều mức độ và trên nhiều phạm vi khác nhau.
Năm 2009 cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực trong đó có lĩnh vực thông tin - thư viện. Ngân sách cấp cho nhiều thư viện và trung tâm thông tin bị cắt giảm hoặc không tăng trong khi đó chi phí cho việc bổ sung tài liệu và mua sắm trang thiết bị của các thư viện không ngừng tăng. Vì vậy hợp tác là cơ hội để các thư viện chia sẻ gánh nặng tài chính.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam khá thấp so với khu vực và các nước trên thế giới. Khả năng nghiên cứu, khai thác, đánh giá và sử dụng thông tin của sinh viên chưa cao trong khi đó nguồn lực thông tin của hầu hết các thư viện đại học thiếu về số lượng và kém về chất lượng. Với những lý do trên việc đẩy mạnh hợp tác giữa các thư viện đại học ở nước ta hiện nay là hết sức cần thiết.
Thực trạng hoạt động của các liên hiệp thư viện đại học ở Việt Nam
Đứng trước thực trạng trên, trong những năm gần đây ở Việt Nam đã hình thành một số tổ hợp thư viện như: “Liên hiệp thư viện đại học”, “Liên hiệp thư viện đồng bằng sông Hồng”, Mạng cộng đồng thư viện trực tuyến - Online Library Community Network (OLICON). Năm 1986, Liên hiệp Thư viện Đại học khu vực phía Bắc và phía Nam được thành lập. Tuy nhiên hoạt động của các Liên hiệp này mới chỉ thực sự được củng cố và phát triển từ cuối những năm 90 của thế kỉ 20 [5].
Cho đến nay Liên hiệp Thư viện Đại học khu vực phía Bắc và phía Nam đã tổ chức được một số hoạt động như: bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ các thư viện thành viên; tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, các hoạt động nghiệp vụ như thăm quan, học tập kinh nghiệm, khảo sát một số thư viện trong và ngoài nước. Cụ thể hai Liên hiệp thư viện đã tổ chức được nhiều buổi tập huấn cho cán bộ của các thư viện thành viên về sử dụng Khung phân loại DDC; Biên mục MARC 21; Hướng dẫn xây dựng và quản lý bộ sưu tập tài liệu số với phần mềm Greenstone.
Hơn nữa, năm 2009 Mạng cộng đồng thư viện trực tuyến - Online Library Community Network (OLICON) được thành lập bởi một tập thể bao gồm Thư viện Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh, Liên chi hội Thư viện Đại học Khoa học phía Nam, Công ty IES và một số chuyên gia thư viện có tâm huyết. Theo đó các thư viện thành viên sẽ đóng góp tài nguyên thông tin sẵn có của mình và kinh phí để duy trì hoạt động của mạng cộng đồng. Đến nay OLICON đã nhận được hồ sơ đăng ký của hơn 20 trường đại học, cao đẳng. OLICON cung cấp một số dịch vụ như: dịch vụ cung cấp nội dung số, dịch vụ xử lý ấn phẩm và tài nguyên số, dịch vụ cung cấp biểu ghi, dịch vụ đào tạo tập huấn [6].
Qua đó chúng ta thấy rằng hoạt động chủ yếu của các Liên hiệp Thư viện Đại học mới chỉ liên kết ở mức đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm trong khi đó Mạng Cộng đồng Thư viện Trực tuyến đang ở giai đoạn khởi động.
Cơ hội và thách thức đối với các thư viện đại học ở Việt Nam hiện nay
Cơ hội
Các thư viện ngày càng nhận được sự quan tâm của Nhà nước. Cụ thể, Nhà nước đã ban hành Chiến lược phát triển ngành thư viện đến 2020 và chính sách đầu tư cho phát triển thư viện đang được coi trọng. Từ đầu những năm 2000, hơn 20 thư viện đại học trong cả nước được đầu tư lớn với kinh phí tăng dần từ 500.000 đô la Mỹ, 750.000 và hơn 3 triệu đô. Ngoài ra một số thư viện đã sử dụng nguồn vốn ngân sách rất lớn (Đại học Bách khoa Hà Nội 200 tỷ đồng). Đặc biệt, tổ chức Atlantic Philanthrophie (Mỹ) đã tài trợ cho 4 trung tâm học liệu lớn với tổng chi phí từ 5 đến 10 triệu đô la Mỹ cho một trung tâm [5].
Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ở Việt Nam có những bước phát triển đáng kể. Nhiều thư viện đã được đầu tư phần mềm quản trị thư viện và kết nối mạng internet.
Song song với việc phát triển cơ sở hạ tầng và vốn tài liệu, một số chuẩn quốc tế về lĩnh vực thư viện như DDC, MARC 21, AACR2 cũng được biên dịch và áp dụng ở Việt Nam. Nhiều cán bộ được đào tạo ở nước ngoài như Mỹ, Úc và New Zealand.
Thách thức
Bên cạnh những cơ hội thì các thư viện ở Việt Nam hiện nay gặp phải một số thách thức như:
Sự đầu tư về cơ sở hạ tầng và chất lượng cán bộ ở các thư viện không đồng đều. Theo Tiến sỹ Nguyễn Huy Chương, năm 2006 mới chỉ có khoảng 30 trong số 230 thư viện đại học được đầu tư mà chủ yếu tập trung vào xây dựng. Về cán bộ, mới chỉ 30% trong tổng số cán bộ thư viện đại học được đào tạo chính quy về ngành thư viện [5].
Các thư viện ở Việt Nam nói chung và thư viện đại học nói riêng nhìn chung chưa có truyền thống phối hợp, đặc biệt trong lĩnh vực chia sẻ nguồn lực thông tin và các biểu ghi thư mục, chưa có dịch vụ mượn liên thư viện. Trong công tác biên mục, thay vì cơ chế biên mục tại nguồn hay biên mục tập trung tại các thư viện trung tâm như ở nhiều nước trên thế giới thì nhiều thư viện ở Việt Nam vẫn biên mục lặp đi lặp lại với nhiều tài liệu cùng tên ở các thư viện khác nhau. Làm như vậy vừa thiếu tính thống nhất đối với việc tạo ra các điểm tiếp cận thông tin trong các biểu ghi vừa lãng phí nguồn nhân lực. Đây cũng là công việc hoàn toàn có thể khắc phục được bằng cách chia sẻ dữ liệu thư mục hoặc tiến hành biên mục tập trung.
Cán bộ thư viện phải đối mặt với ngày càng nhiều thông tin ở dạng số. Các nhà xuất bản trên thế giới có xu hướng thay đổi hình thức xuất bản truyền thống sang hình thức xuất bản điện tử. Nhiều tạp chí khoa học chỉ được bán ở dạng tài liệu điện tử thông qua truy cập cơ sở dữ liệu trực tuyến. Nếu trước đây các thư viện thường mua tài liệu truyền thống và lưu giữ trong kho của mình thì ngày nay họ mua quyền truy cập các cơ sở dữ liệu trực tuyến thông qua các nhà cung cấp như Emerald, ScienceDirect, ProQuest, Web of Science,… Tuy nhiên, các cán bộ thư viện Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong việc đàm phán để mua chúng và các nguồn tài liệu này lại khá đắt so với khả năng của các thư viện đại học ở Việt Nam.
Yêu cầu đầu tư ban đầu lớn để mua giấy phép quyền truy cập tài liệu điện tử, công nghệ thông tin và truyền thông (phần cứng và phần mềm).
Để đối phó với những thách thức trên các thư viện đại học cần đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác và chia sẻ với nhau thông qua các Liên hiệp Thư viện Đại học của mình để đạt được nhiều mục tiêu hơn nữa.
Mục tiêu đạt được thông qua đẩy mạnh hoạt động của các liên hiệp thư viện đại học
Hoạt động của các liên hiệp thư viện đại học được đẩy mạnh sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cả phía thư viện lẫn người sử dụng.
Đối với thư viện
Các thư viện đại học có thể chia sẻ nguồn lực thông tin bao gồm cả nguồn tài liệu truyền thống và nguồn tài liệu điện tử nhờ đó tiết kiệm nguồn kinh phí bổ sung, không gian lưu trữ tài liệu truyền thống, và máy chủ để lưu trữ thông tin điện tử.
Cung cấp cơ hội cho cán bộ thư viện thành viên phát triển kĩ năng mới thông qua các chương trình đào tạo; hội thảo, hội nghị; tham quan, khảo sát.
Chia sẻ các biểu ghi thư mục, điều này giúp các thư viện không phải phân loại và biên mục lại các tài liệu mà thư viện thành viên có, tạo điều kiện xây dựng mục lục liên hợp (điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các thư viện ở Việt Nam).
Cải thiện chất lượng và đa dạng hóa các dịch vụ thông tin thư viện nhờ việc chia sẻ tài nguyên thông tin, cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm quản lý dịch vụ. Ngoài ra các thư viện còn có cơ hội để phát triển và đẩy mạnh việc sử dụng các chuẩn nghiệp vụ trong các hoạt động của mình.
Đối với người sử dụng
Chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin cho phép người sử dụng truy cập tới số lượng các nguồn tin nhiều hơn ở mức chi phí thấp hơn.
Người sử dụng dễ dàng truy cập đến bộ sưu tập của các thư viện thành viên nhờ mục lục liên hợp. Mục lục này được xây dựng trên cơ sở cổng thông tin và nó tích hợp dịch vụ thư viện - thông tin của các thư viện thành viên.
Ngoài ra người sử dụng có cơ hội để sử dụng dịch vụ thư viện chất lượng hơn như: Dịch vụ phổ biến thông tin chọn lọc, dịch vụ tra cứu tin, dịch vụ tham khảo.
Kết luận
Qua phân tích trên, chúng ta thấy rằng đẩy mạnh hoạt động hợp tác giữa các thư viện đại học ở Việt Nam hiện nay là nhu cầu tất yếu, là con đường hợp lý giúp các thư viện đại học vượt qua những thách thức và đón những cơ hội để phát triển các dịch vụ của mình. Đẩy mạnh hợp tác giữa các thư viện sẽ mang lại hiệu quả kinh tế thông qua việc chia sẻ nguồn lực thông tin, cải thiện chất lượng dịch vụ thông tin - thư viện, tạo điều kiện cho người sử dụng tiếp cận tối đa các nguồn tin và mục tiêu cuối cùng là góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Colin Darch. Academic library consortia in contemporary South Africa, Library   Consortium Management, 1999. – Vol.1/2. – pp.23 - 32.
2. Hazel Woodward. Acquiring E-Books for academic   libraries,   Liber   quaterly,   2007.   – Vol.17(3/4)
3. Lê Ngọc Oánh. Vai trò, chức năng của Hội Thư viện Việt Nam trong phát triển sự nghiệp thư viện, Hội nghị quốc tế về thư viện – TP. Hồ Chí Minh, ngày 28-30/8/2006.
4. Luis M. Anglada. Working together, learning together: the consortium of academic libraries of Catalonia, Information technology   and libraries, 1999. -18(3). - pp. 139-144.
5. Nguyễn Huy Chương. Đề xuất đổi mới thư viện đại học Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, Kỷ yếu Hội nghị quốc tế “ Thư viện Việt Nam hội nhập và phát triển”, 2006.
6. Nguyễn Minh Hiệp. Những dịch vụ của mạng cộng đồng thư viện.
7. Ann Okerson. Consortium Building   for Libraries.
www.library.yale.edu/~okerson/eIFL-Laos- Cambodia1.ppt
8. Ann Okerson. Consortia, Libraries,   and Managing in the Downturn.
www.stpi.org.tw/fdb/tr/2009/11/01-Ann.ppt
http://webapp.lrc.ctu.edu.vn/bantin/cong-tac- vien/47-cong-tac-vien/192-nhng-dch-v-ca-mng-cng- ng-th-vin.html
9. Rick Burke. Library consortia and the future of academic libraries.
h t t p : / / w w w . n e a l - schuman.com/academic/Burke2010.pdf
 
_____________________
Đức Lương - Khánh Linh
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam số 5(31) – 2011 (tr.22- 25)